Cung vượt cầu
Dự báo, năm 2013, nhu cầu phân bón các loại khoảng 10,3 triệu tấn, trong đó phân urê 1,9- 2 triệu tấn, NPK 3,8 triệu tấn, phân lân 1,8 triệu tấn, SA 850.000 tấn, kali 950.000 tấn, DAP 900.000 tấn.
Với riêng phân urê, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta có Nhà máy
đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm, Nhà máy đạm Phú Mỹ 800.000
tấn/năm, Nhà máy đạm Ninh Bình 560.000 tấn/năm. Riêng đạm Hà Bắc công
suất 180.000 tấn/năm và dự án mở rộng lên 500.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt
động năm 2014. Trong năm 2013, nếu các nhà máy chạy hết công suất sẽ
cho tổng nguồn cung xấp xỉ 2,4 triệu tấn urê, đến năm 2014 nâng lên tầm
2,7 triệu tấn.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy- Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam- nhận định: Từ năm 2013, Việt Nam có thể xuất khẩu 500.000- 700.000 tấn phân urê.
Như vậy, trong năm 2013, người nông dân có thể hoàn yên tâm về nguồn
cung phân bón cũng như sự ổn định về giá phân urê trong nước. Trước mắt,
vụ đông- xuân tới, giá phân urê đang có xu hướng giảm vì nguồn cung dồi
dào.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) sẽ sản xuất khoảng
770.000 tấn, cộng với 30 nghìn tấn phân bón dự trữ dùng để gối vụ nên
nguồn cung phân bón không thiếu. Thị trường phân bón trong nước sẽ không
còn chuyện găm hàng để tăng giá bán.
Điều tiết xuất khẩu bằng thuế
Nhận thức rõ thực trạng cung vượt cầu và thị trường urê sẽ bước vào
cuộc cạnh tranh gay gắt nên từ mấy năm trước, PVFCCo đã tìm đường xuất
khẩu urê, bên cạnh nỗ lực tiếp tục củng cố và xây dựng hệ thống phân
phối trong nước để duy trì và phát triển thị phần.
Đến nay, PVFCCo đã thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar
cùng với nhiều hoạt động chuẩn bị và phát triển thị trường. Ngoài ra,
PVFCCo tăng cường hợp tác với các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu phân
bón quốc tế để mở rộng thêm thị trường xuất khẩu thông qua kênh phân
phối này.
Với thị trường Campuchia, PVFCCo đã nỗ lực xúc tiến và xuất khẩu tốt.
PVFCCo đã tổ chức mô hình trình diễn sử dụng đạm Phú Mỹ tại Campuchia
và thực tế cho thấy, sau khi sử dụng phân bón hợp lý, năng suất đã tăng
từ 3,0- 3,5 tấn/ha lên gần 6,0 tấn/ha.
Tổng giám đốc PVFCCo Cao Hoài Dương cho biết: Năm 2013, tổng công ty
dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, bên cạnh việc bảo đảm nguồn cung urê
trong nước. Đối với thị trường Myanmar, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất
khẩu với số lượng lớn từ năm 2014, sau khi các nhà máy sản xuất phân bón
ở Việt Nam đi vào hoạt động ổn định và bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong
nước. Tổng lượng cầu đối với urê của Myanmar
vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới do nước
này đang muốn gia tăng năng suất cây trồng vốn đang ở dưới khả năng
trong nhiều năm qua.
Ở thời điểm hiện tại, DN Việt Nam
khi xuất khẩu urê sẽ có lợi thế cạnh tranh do giá thành rẻ hơn một số
nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy cũng lưu ý các DN: Để tránh
tình trạng xuất khẩu ồ ạt, chúng ta phải điều tiết bằng thuế và phải có
cơ chế hạn chế nhằm bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.
Gần đây, Trung Quốc đã tăng thuế xuất khẩu phân bón lên rất cao: Mức
giá tham chiếu xuất khẩu urê từ 400 - 470 USD/tấn, sau đó tăng lên 480-
490 USD/tấn, chưa kể những quy định khắt khe hơn trong khai báo hải
quan.
Nguồn:
Báo Công Thương
|